Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục có thể gia hạn hợp đồng quảng cáo xe buýt tại TPHCM cho đến khi có đề án đấu giá mới và hợp lý hơn. Đây là quyết định từ chính quyền TPHCM trước đề xuất ngưng quảng cáo xe bus trong thời gian gần đây.
Nội dung được đề cập trong văn bản của Văn phòng UBND TP HCM thông báo ý kiến Phó chủ tịch UBND Lê Hoà Bình gửi các Sở Văn hóa và Thể thao, Giao thông Vận tải, Tài chính đối với Đề án quảng cáo trên thân xe buýt ở địa bàn.
Động thái này được đưa ra theo kiến nghị của Sở Tài chính, sau khi Sở Giao thông Vận tải đề xuất tạm ngưng đấu giá quảng cáo trên xe buýt để điều chỉnh theo đà phát triển vận tải công cộng và nhu cầu quảng cáo tại TP HCM.
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị liên quan tham mưu điều chỉnh phương án quảng cáo phù hợp với tình hình phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nhu cầu khai thác quảng cáo thực tế.
Theo Sở Tài chính thành phố, quảng cáo trên xe buýt có từ năm 2018 đến nay đã tạo được nguồn thu ngân sách hơn 57,3 tỷ đồng. Số tiền này chưa tính khoản đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng hơn 16,1 tỷ đồng nhằm bù đắp kinh phí trợ giá xe buýt.
Bên cạnh đó, sở này cũng cho biết đề án áp dụng cho các tuyến buýt trợ giá và không trợ giá. Đối với các tuyến buýt không trợ giá, doanh nghiệp vận tải, chủ xe được hưởng trọn vẹn nguồn thu từ quảng cáo sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Do đó, việc dừng đề án sẽ tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp tuyến buýt không trợ giá.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đề xuất ngưng đấu giá quảng cáo trên xe buýt vì “chưa hiệu quả”. Từ năm 2017 đến 2019, thành phố chỉ chọn được một đơn vị trúng đấu giá với 25/101 tuyến buýt, đạt tỷ lệ 24%. Ngoài ra quá trình thực hiện đề án được cho phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nguyên nhân xe buýt thuộc quyền sở hữu của các xã viên hợp tác xã vận tải.
Việc quảng cáo trên thân xe buýt đã được một số tỉnh thành làm từ nhiều năm nay, hàng năm thu về khoản tiền không nhỏ. Song ở TP HCM, việc quảng cáo trên xe buýt gây nhiều tranh cãi suốt thời gian dài vì chính quyền thành phố lo ngại ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Giữa năm 2009, UBND thành phố cấm quảng cáo trên xe buýt.
Năm 2011 chính quyền thành phố giao một công ty thực hiện đề án xây dựng hệ thống thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt. Đến năm 2015, UBND thành phố cho thí điểm quảng cáo trên 10 tuyến xe buýt trước khi thực hiện đại trà theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải.
TP HCM hiện có hơn 2.300 xe buýt trên 137 tuyến, bao gồm cả trợ giá và không trợ giá. Theo tính toán nếu toàn bộ xe buýt được thuê quảng cáo ngoài thân, mỗi năm thành phố thu về hơn 100 tỷ đồng, góp phần giảm trợ giá cho loại hình này. Hiện, trung bình mỗi năm TP HCM chi hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ xe buýt.
Như vậy, các chiến dịch quảng cáo trên xe bus tại TPHCM vẫn được triển khai tiếp mà không có bất cứ sự gián đoạn nào. Dịch vụ quảng cáo này ngày càng cho thấy được sức hút, niềm tin với các doanh nghiệp. Minh chứng là hầu như các tuyến xe, đặc biệt các tuyến buýt nội đô luôn trong tình trạng “kín” quảng cáo từ nhiều nhãn hàng.
Theo: Vietnamnet