Công tác thí điểm sẽ được chính thức diễn ra trên 24 tuyến xe bus của thủ đô Hà Nội bằng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác nhau.
Trong nỗ lực hiện đại hoá phương tiện giao thông công cộng, Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó ngày 15.11 tới đây, hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng sẽ chính thức được thí điểm.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, từ ngày 15.11, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới xây dựng thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông cộng cộng.
Nội dung và phạm vi thí điểm áp dụng trên vé lượt, vé tháng 1 tuyến, vé tháng liên tuyến đang áp dụng trên với 24 tuyến xe bus đang chở khách của thành phố.
Cụ thể, hành khách đi lại bằng vé lượt, vé tháng 1 tuyến và vé tháng liên tuyến trên 24 tuyến xe bus thí điểm, gồm các tuyến: Bus nhanh – BRT; 02; 08; 21; 32; 58; 64; 65; 74; 103; 142; 143; 146; 157; 159; buýt điện E01; E02; E03; E04; E05; E06; E07; E08; E09 sẽ được sử dụng vé thanh toán điện tử.
Hành khách có thể đăng ký vé, mua vé, thanh toán online (qua website, qua app mobile) hoặc trực tiếp tại các quầy vé. Hệ thống chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code… Trong thời gian tới, dự kiến sẽ tiếp tục thí điểm hệ thống vé điện tử kết nối liên thông với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông.
Là người thường xuyên sử dụng xe buýt, bà Nguyễn Thị Hiến (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đồng tình với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. “Nếu đi vé ngày thì lúc nào cũng cần có tiền mặt. Vé điện tử tạo nhiều thuận lợi hơn vì lúc nào cũng có thể sử dụng được” – bà Hiến nói.
Là sinh viên trên địa bàn Hà Nội, bạn Mai Chi (Cầu Giấy) chia sẻ, khi đi xe buýt được quét mã sẽ rất tiện lợi với những người không mang tiền mặt. Điều này sẽ giúp việc mua bán vé xe buýt được dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Thẻ vé điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia giao thông công cộng. Ngoài việc thực hiện bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện, hệ thống này còn đáp ứng các yêu cầu quản lý điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ cho vận tải hành khách công cộng.
Vé điện tử liên thông mang lại sự tiện lợi, trước hết cho người dân bởi chỉ cần một tấm thẻ có thể dùng chung cho tất cả các loại hình vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, với vé điện tử, người dân có thể trả chi phí cho cự ly di chuyển thực tế của mình, không cần mua vé cho cả tuyến xe buýt như hiện nay.
Hiện nay, việc người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng ngày càng phổ biến. Đơn cử trong ngày 2.9, tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông vận chuyển 55.980 hành khách – mức cao nhất kể từ khi đưa vào vận hành. Với lượng hành khách tham gia sử dụng ngày một tăng cao, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã và đang từng bước hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng, góp phần kéo giảm ùn tắc cho Thủ đô.
Hay với dịch vụ xe đạp công cộng, dù mới chỉ ra mắt vào cuối tháng 8 nhưng đã nhanh chóng thu hút nhiều người sử dụng. Chỉ sau gần nửa tháng đi vào hoạt động, dịch vụ này đã thu hút hơn 36 nghìn tài khoản mở mới; 25.208 chuyến xe đạp công cộng được vận hành với 163.600 km, tổng số giờ thuê là 25.649 giờ.
Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt, tàu điện, các điểm vui chơi, du lịch… thuận tiện.
Theo: Báo Lao Động